Vì tôi là một Hi-Fi man
Đã từng tồn tại không ít tranh luận xung quanh sự khác biệt giữa Hi-Fi và Hi-End. Tuy nhiên, một điều không ai có thể bàn cãi, là dù lựa chọn Hi-Fi hay Hi-End thì bạn cũng phải bỏ ra rất nhiều công sức tìm tòi và thử nghiệm mới có thể chạm tới ranh giới của sự hòa điệu những thanh âm.
Vốn không am hiểu nhiều về kỹ thuật điện, lại càng mù tịt trước những khái niệm âm học, tất cả “vốn liếng” của tôi khi đến với thế giới âm thanh stereo chỉ gói gọn trong một từ “yêu thích”.
Tôi còn nhớ như in cảm giác choáng ngợp đến mê mẩn khi lần đầu tiên ngồi nghe nhạc trong café Hi-End, Nguyễn Văn Thủ cách đây gần 6 năm. Từng giọt piano và giọng hát mênh mang bảng lảng của Norah Jones buông dịu ngọt như sương giăng trên màng tơ nhện buổi sớm. Từng tiếng doublebass trầm buồn và rành rõ đến cả những vĩ âm lạo xạo của khoảng căng dây đưa lối cho Salena Jones cất lên từng lời oán trách trầm nghẹn đầy ám ảnh You don’t bring me flower, You don’t sing me love songs, You hardly talk to me anymore when I come through the door at the end of the day...
Ngắm nghía dàn loa kèn kềnh càng choán cả một góc với lỉnh kỉnh những đầu băng cối, ampil đèn, đầu đĩa than, đầu đọc CD... tôi biết rằng mình đã hoàn toàn bị những máy móc thiết bị phát ra thứ âm thanh quyến rũ kia chinh phục. Hồi đó, tôi nghĩ đơn giản, chắc vì mình vốn chỉ quen nghe nhạc bằng loại máy “mì ăn liền” rẻ tiền nên lần đầu nghe “hàng khủng” là bị hớp hồn ngay. Lại do một thời gian sau đó, trên các phương tiện truyền thông đại chúng có nhiều chương trình giới thiệu chân dung những người chơi audiophiles hầu hết đều là những đại gia nên tôi càng chắc chắn thú chơi âm thanh là thú chơi quý tộc mà cả đời mình chắc cũng chỉ có thể đi uống café nghe ké mà thôi.
Đến khi bắt đầu lọ mọ tìm hiểu, tôi mới vỡ lẽ, không hẳn cứ mang những thứ thượng hạng như loa kèn rồi ampli đèn, đầu đĩa than... ra chơi chung với nhau là có ngay một không gian nhạc hay như mơ. Đúng là hầu hết những thiết bị nghe nhìn cao cấp đều có giá trên trời nhưng lối vào vườn địa đàng lại nằm ở quá trình tìm tòi lựa chọn và phối ghép, Hi-end là thứ nhạc được nghe bằng trái tim chứ không phải bằng túi tiền.
Và, cũng như một chuyến đi bất tận mà niềm vui nằm trên mỗi chặng đường, mỗi trải nghiệm với những thiết bị âm thanh là món quà tinh thần đầy tự hào với người đã trót mê trót say “thú đau thương” này. Để bắt đầu công cuộc khám phá này, yếu tố tiên quyết là sự ham mê bởi phải có yêu thích thì bạn mới có đủ sức lực và lòng kiên nhẫn để không ngừng thử và... sai rồi lại tiếp tục thử cho đến khi tìm ra được đáp án chính xác như mong đợi. Một điều nữa không thể thiếu là những kiến thức nền tảng về kỹ thuật điện và âm học.
Dĩ nhiên, những kiến thức này sẽ được bồi đắp dần theo năm tháng và ngày càng thâm hậu theo sự chịu khó mày mò và khám phá của khổ chủ. Chỉ cần nhìn vào lịch sử hình thành và phát triển của những hãng sản xuất thiết bị âm thanh danh tiếng, ta dễ dàng thấy ngay triết lý sống còn “không ngừng thử nghiệm, không ngừng hoàn thiện”, do đó, nếu muốn trở thành người chơi audiophiles thực thụ, càng không thể dễ dàng hài lòng và chấp nhận với những gì mình đã có.
Cách đây không lâu, trong một lần café với người bạn cũng là dân chơi có số trong giới audiophiles Sài Gòn, anh khoe tôi về dàn CDP và Amplifier nhỏ nhắn rất có duyên của T+A mà anh mới trang bị cho phòng nghe của mình. Niềm vui tràn ngập trong câu chuyện của anh vì bộ dàn không chỉ đẹp, đẹp đến ngay cả bà xã anh cũng thích mê mà còn bởi khả năng cân bằng và kiểm soát của nó vượt xa đẳng cấp của một thiết bị kỹ thuật số. Với những kinh nghiệm của một người đã “kinh qua” nhiều thiết bị Hi-Fi và Hi-End, anh khẳng định chắc chắn phải rất lâu nữa anh mới muốn thay đổi sang một sản phẩm khác.
Thực lòng, khi nghe anh nói, tôi cũng hơi tò mò. Bởi lẽ nguyên tắc vỡ lòng khi tôi bắt đầu tìm hiểu thế giới Hi-End là “càng nặng thì càng chất”, dù là loa hay ampli hay CDP cũng vậy, chưa kể, diện tích phòng nghe cũng có những đòi hỏi về công suất khuếch đại tương ứng.
Dĩ nhiên, không phải tất cả các hãng âm thanh đều “tuân phục” luật bất thành văn này, nhưng số lượng xé rào thì rất ít, và trong những sản phẩm nhỏ gọn nhẹ kiểu như vậy mà tôi được biết thường có giá không hề dễ chịu chút nào. Vì vậy, trong trường hợp này thì bộ CDP và Amplifier T+A series R của anh xem ra không có nhiều đối thủ cạnh tranh.
Bản thân series R không phải là series thuộc hàng cao cấp nhưng lại là dòng đàn em nên được thừa hưởng rất nhiều tinh hoa của dòng AC tiên phong đã làm nên danh tiếng cho T+A. T+A cũng đã bỏ ra gần cả thập kỉ (1992 -2000) để hoàn thiện và phát triển các sản phẩm thuộc series R. Có thể nói, dù không phải là người đi đầu nhưng series R lại là đại diện tiêu biểu cho “triết lý hệ thống” của T+A và đặt nền móng quan trọng cho các thế hệ sản phẩm chất lượng cao và thiết kế đầy tính thẩm mỹ về sau của T+A. T+A không phải là hãng sản xuất những sản phẩm Hi-End thời trang.
Mục tiêu mà tất cả các sản phẩm của T+A hướng tới là chất lượng và độ bền. Tính cấp tiến nằm ở chỗ, T+A luôn nắm bắt xu hướng nhu cầu của thị trường và không ngừng cải tiến sản phẩm nhằm thỏa mãn tối đa nhu cầu đó. Chìa khóa mở cửa thành công đưa dòng sản phẩm thuộc dạng huyền thoại Hi-Fi như series R trở thành biểu tượng của âm thanh Hi-End nằm trong cụm từ “Ultra Wide Bandwidth” – Băng thông rộng.
Đây chính là “động cơ đốt trong” giúp tất cả những sản phẩm của series R với ngoại hình mảnh dẻ thanh tú vẫn có thể dễ dàng đáp ứng tốc độ, độ động và nhiệt lượng tỏa ra trong quá trình hoạt động. Các bộ khuếch đại và đầu đọc đĩa của series R đều được quản lý bởi bảng mạch không từ tính ACT với các tụ mica và điện cực bạc nhằm hạn chế tối đa hiện tượng từ dư và khử méo hài. Chế độ chuyển đổi Digital / Analog được thực hiện dựa trên sắp xếp tương quan chu trình kéo - đẩy làm giảm nhiễu do lỗi chuyển đổi D/A không tương quan giảm đi một nửa và khoảng 3dB trên lỗi tiếng ồn trắng. Tính phối hợp chuẩn xác giữa các giai đoạn khuếch đại, thời gian ghi nhận tín hiệu và độ động giúp cho âm thanh được tái hiện với độ trung thực cao, chi tiết và khả năng quản lý âm lượng đáng gờm.
Phải tự lọ mọ tìm hiểu về lý thuyết kỹ thuật của T+A rồi trực tiếp cảm nhận từ bộ đôi ampli và CDP 1260 R mới có thể hiểu được tại sao một người vốn đề cao chất lượng âm nhạc trình diễn hơn là tính rời rạc trong tái hiện đặc tính âm thanh như anh bạn tôi lại mê mẩn đến thế. Cứ nghe cái cách quản lý khoảng âm trầm đầy tự tin của ampli PA 1260 R với bản hòa tấu Amazing Grace hay khả năng tái hiện trực tiếp từ file wma chất giọng Cara Dillon sáng nhẹ đầy tung tấy trong bản thu The lass of Glenshee với kiểu hát Celtic đặc trưng của đầu đọc CD 1260 R là tôi cũng tự nguyện xin sống làm Hi-Fiman chết làm Hi-Fighost.
Và cũng nhờ tìm hiểu về quá trình nghiên cứu chế tạo và không ngừng hoàn thiện series R của T+A, kẻ “gà mờ” đúng nghĩa như tôi hiểu thêm một điều, chiến thắng quan trọng nhất không phải là bước lên trên bục vinh quang mà là tự vượt qua những giới hạn hiểu biết và khả năng của chính mình.
- Audio Treo: Bởi đó là Vandersteen 27-06-2013, 11:56 pm
- AVID HIFI : Tái hiện âm thanh trung thực 16-06-2013, 10:41 am
- Bí quyết thành công của hãng loa Anh, ATC 18-04-2012, 12:25 pm
- Debussy DAC - Cầu nối computer và Hi-End 18-04-2012, 12:18 pm
- Câu chuyện có hậu của “lựa chọn” 12-04-2012, 11:34 am
- ATC CDA2 Đầu đọc đĩa đa năng 09-04-2012, 2:56 pm